Cũng tự cho mình là một người khá
khó tính trong việc lựa chọn sách để đọc, nhưng đúng là chưa đọc thì chưa thể kết
luận cuốn sách đó có đáng đọc hay là không? Hệ quả là giờ ở nhà, có khá nhiều
sách không được ưa thích, vẫn cứ xếp đấy, có những cuốn phải đến chục năm chưa
giở lại. Vui chưa là vui?
Từ việc cảm nhận sách của các bạn
nhóm Mến Sách, mình cũng đã lược bỏ được một phần nào những khó khăn trong lựa
chọn đầu sách để đọc, các bài cảm nhận của các bạn, mỗi bài mỗi vẻ, đều có những
cảm nhận khá thú vị.
Tối qua, mình đã đọc cuốn “Bí mật
chiếc xô cảm xúc”, cuốn sách được mượn từ anh Thăng, nguồn cảm hứng để đọc cũng
được “múc” từ “chiếc xô” cảm nhận sách hàng tháng của anh ấy về cuốn này.
Vì được phép viết lại cuốn người
khác đã viết, nhân dịp trả nợ tháng 3 – mùa hoa Gạo đỏ, mình viết lại cảm nhận
sách cho cuốn này. Hy vọng góp thêm một góc nhìn, để cùng mọi người tiếp tục đồng
hành trên con đường tương lai của Mến sách.
Ở đây, mình không bàn về mục lục
cuốn sách, cái này, nếu các bạn đọc, các bạn đều có thể thấy được. Mình muốn
chia sẻ những cảm nhận về một số nội dung gây ấn tượng cho mình. Và dưới góc độ
của một người làm nhân sự, mình cũng muốn tìm hiểu thêm và áp dụng vào công việc,
vào cuộc sống hàng ngày.
Nhìn một cách tổng thể, cuốn sách
có một cách diễn đạt, trình bày không có gì bắt mắt, mang tính chất rất phổ
thông, quần chúng, giọng kể cũng nhàn nhạt, quen quen. Theo thói quen, mình đọc
rất nhanh, rất lướt. Cứ đọc thế cho đến khi chợt dừng lại và thốt lên ”Thật dã
man, thật tàn ác” và tự hỏi “Tại sao con người ta lại có thể tàn độc như vậy?”.
Xuất phát từ câu chuyện các binh lính Mỹ sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Triều
Tiên, họ có những biểu hiện của chứng “tuyệt vọng cực độ”. Họ sống trong một thế
giới khép kín, tăm tối, im lặng với cặp mắt vô hồn và tinh thần rệu rã, một thời
gian sau họ tìm đến cái chết để kết thúc mọi chuyện. Để cứu các binh sỹ này khỏi
cái chết, Mayer – một nhà khoa học tâm lý chiến tranh thời đó, đã cùng các bạn
đồng hành nghiên cứu nguyên nhân. Và họ đã phát hiện ra, Quân đội Triều Tiên
sau khi bắt tù binh Mỹ, đã cho họ vào các trại tập trung, khoản đãi đầy đủ về vật
chất, nhưng lại tách họ thành các nhóm nhỏ, dùng biện pháp được gọi là “vũ khí
tối thượng”, loại vũ khí này chỉ gồm 4 chiến thuật sau:
1.
Chỉ điểm
2.
Tự phê
3.
Từ bỏ
lòng trung thành với các cấp chỉ huy và tổ quốc
4.
Ngăn
chặn sự hỗ trợ của cảm xúc tích cực
Để các công cụ trên được binh sỹ hưởng
ứng, Quân đội Triều Tiên đã dùng các hình thức như thưởng vật chất để kích
thích lòng tham của con người. Nhưng, khủng khiếp nhất, nhẫn tâm và tàn độc nhất
vẫn là phương pháp “ngăn chặn cảm xúc tích cực”, thổi và đẩy mạnh các cảm xúc
tiêu cực vào trong não của các binh lính bằng các thủ đoạn như: chế đơn xin ly
dị giả của vợ các binh lính gửi từ Mỹ sang đòi ly dị, thậm chí gửi các các hóa
đơn đòi tiền của các tổ chức tại Mỹ cho họ để họ mất niềm tin, không còn thiết
tha với cuộc sống sau chiến tranh tại quê hương của mình.
Khi các bạn đọc tới đây, cảm giác
của các bạn thế nào? Các bạn có thấy con người ta tàn nhẫn không? Kinh khủng
không? Con người tìm tòi, suy nghĩ để chế ra các công cụ tra tấn mình như vậy,
dưới góc nhìn của mình, thật rất đáng chống đối. Như thế mới thấy, vai trò của
cảm xúc tích cực rất quan trọng trong việc khuyến khích con người sống có niềm
tin, niềm tin vào bản thân, niềm tin vào cuộc sống để có động lực sống cuộc sống
hạnh phúc, bình an.
Sau khi đã trải nghiệm qua các ví
dụ sinh động về tác dụng của cảm xúc tích cực, tác giả bắt đầu phân tích về
“chiếc xô cảm xúc và chiếc gáo cảm xúc”. Ở phần này, mình thật sự thích nội
dung bức thư mà người cháu – tác giả cuốn sách, viết cho người ông – đồng tác
giả cuốn sách này, nhân dịp sinh nhật của ông. Tom Rath viết về những kỷ niệm
gia đình, cách giáo dục, ứng xử của các thành viên trong gia đình đã ảnh hưởng
lên cuộc sống của của anh như thế nào? Trong đó, người ông, đóng vai trò như một
trụ cột, người hướng dẫn, động viên anh suốt thời gian qua. Ông đã thổi những
niềm tin vào cuộc sống của Tom, giúp anh phát huy điểm mạnh, hỗ trợ anh mở cửa
hàng kinh doanh khi phát hiện anh có năng lực lãnh đạo và khả năng kinh doanh,
đưa cho anh các phương pháp để anh tự nhận ra niềm vui sống khi phát hiện ra
căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh đeo đẳng anh cho tới tận bây giờ: bệnh ung thư. Chính
nền giáo dục của gia đình giống như những cột rễ được ăn sâu trong con người
anh, biến nó thành sức mạnh nội tại để anh vượt qua căn bệnh, tiếp tục cống hiến
cho xã hội. Anh chính là hiện thân của việc: Sống vì chính bản thân mình để vì
nhiều người khác.
Trong phần nội dung này, có một
câu ngạn ngữ được Tom đề cập tới mà mình rất thích: “Đừng bao giờ cố dạy heo học hát. Vừa mất thời gian vừa làm phiền con
heo”. Mình rất thích thú với hình ảnh này. Ý nghĩa của câu này, có thể hiểu
rằng, con người ta không cần phải được đào tạo để trở nên hoàn hảo. Hãy nhìn
vào những điểm mạnh để phát huy. Ở đây, tác giả còn lấy một ví dụ rất sinh động
về việc nhìn vào điểm số của con cái khi chúng học tại trường. Trong các điểm số
10, 9, 8, 2, bạn chú ý đến điểm nào nhất của con cái mình? Đa số là điểm 2 phải
không? Xin chia buồn là bạn cũng giống vô số các ông bố bà mẹ trên trái đất này
thôi, bạn sẽ cố tập trung xét hỏi con cái vì sao bị điểm xấu, rồi bằng nhiều biện
pháp khác nhau để bạn “thúc” cho con bạn cải thiện điểm số này đúng không? Các
thành viên trong gia đình Tom thì làm ngược lại đấy, họ nhìn vào các điểm tốt của
Tom và thúc đẩy chúng, điểm xấu thì để Tom tự có phương án cải thiện. Điều này,
mình sẽ gắng ghi nhớ để sau này có con (nếu được), sẽ áp dụng và phát huy.
Phần cuối của cuốn sách, tác giả
đưa ra 5 phương pháp để tăng cường cảm xúc tích cực. Mình sẽ không nói về vấn đề
này, vì nó rất cụ thể rồi! Với lại, cuốn sách này khá mỏng, chỉ gồm 121 trang
thôi. Đọc rất dễ hiểu, dễ hiểu lắm, không phải tư duy sâu đâu các bạn ạ! Thế
nên, nếu các bạn thích thì có thể đọc, còn không thì cũng không sao đâu, mình không
muốn vừa làm các bạn mất thời gian vừa làm phiền các bạn! (LOL)