Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Bầu trời đầy Tuyết, ngày 24 tháng 12 năm 2013

Các cháu yêu quý!
Hôm qua khi nhận được thư của các cháu, Ông đã suy nghĩ rất lâu và quyết định viết thư này cho các cháu. Trước tiên, Ông cầu chúc cho mẹ của các cháu được bình an, mau hồi phục sức khỏe để sớm ra viện về nhà với các cháu nhé! Ông cũng chúc cho ông bà ngoại, ông bà nội các cháu luôn khỏe mạnh để có thể đến chơi với các cháu nhiều hơn.

Về phần các cháu, ông thấy là đợt này trời rất lạnh mà các cháu ăn mặc rất phong phanh, thỉnh thoảng đi đường còn quên găng tay và bịt khẩu trang. Các cháu nhớ mặc ấm để đêm về đi ngủ không bị tịt mũi và ho nhé! Như thế rất hại sức khỏe đấy! Đi viện còn tốn tiền và mất thời gian nhiều nữa, thật không tốt lắm đúng không các cháu.

Hôm trước ông qua trường Tiểu học Trung Hòa, thấy cháu Hải Long đang chơi trong sân, cháu có phần tinh nghịch quá, thường hay trêu trọc bạn bè dẫn tới ẩu đá, đánh nhau, cô giáo nhắn tin cho bố mẹ, mẹ cháu buồn lắm đấy! Từ giờ Ông mong cháu chăm ngoan hơn, cẩn thận viết chữ đẹp hơn, rõ hơn và chăm học tiếng Anh nhé! Nếu cháu giỏi tiếng Anh sau này cháu sẽ kết bạn được với rất nhiều các bạn đến từ năm châu bốn bể, cháu sẽ đọc được nhiều cuốn truyện hay của các tác giả trên thế giới, có thể chơi magic với rất nhiều các bạn nước ngoài, có rất nhiều bạn thông minh, học giỏi, chơi game giỏi, nếu cháu chịu khó học tập thì cơ hội của cháu rất lớn đấy! Cháu có hứa với Ông không?

Cháu Phương Linh thân mến!

Cháu rất có năng khiếu trong việc học Toán, có điều cháu chưa chịu tập trung thôi, Ông thấy khi cô giáo giảng bài, cháu thường quay sang bạn nói chuyện hoặc nghĩ vẩn vơ về điều gì đó, thỉnh thoảng Ông thấy cháu hay cười một mình, chắc hẳn cháu rất hay suy nghĩ phải không? Ông mong cháu sẽ tập trung lắng nghe lời cô giáo giảng hơn, về nhà cháu cần tự giác học tập, là chị cháu phải gương mẫu cho em Hải Long noi theo nhé! Ăn cơm xong là các cháu nên ngồi vào bàn học tập ngay, không nên để bố mẹ nhắc nhở, bố mẹ cháu rất kỳ vọng vào cháu, mong cháu học giỏi để sau này trở thành người có ích, có thể giúp bố mẹ trông nom em, chỉ bảo em nhiều việc. Cháu có đồng ý không? Ông cũng rất muốn cháu học để có thể biết một môn nghệ thuật nào đó, cháu thích học môn gì? Vẽ, múa hát, nhảy hay chơi đàn? Việc học tập các môn nghệ thuật này còn giúp cháu mạnh khỏe hơn, hiểu biết hơn và mai sau khi ra ngoài giao lưu, gặp gỡ các bạn cháu sẽ tự tin hơn rất nhiều. Nếu biết chơi nhạc cụ hoặc biết vẽ, lại nói tiếng Anh tốt nữa thì Ông tin chắc rằng cháu Phương Linh sau này sẽ rất được bạn bè yêu mến, nể phục. Cháu chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể nhé, ở tuổi cháu bắt đầu cần giữ cho cơ thể được sạch sẽ, gọn gàng và chỉn chu rồi đấy, phụ nữ lôi thôi ra ngoài rất hay bị các bạn cười chê, mà Ông thì hoàn toàn không muốn cháu của Ông phải nghe những lời ấy, cháu Ông vốn rất xinh mà! Nhất là đôi mắt của cháu, thật đẹp và long lanh (nếu phải đeo kính cận thì xấu đi rất nhiều đấy).

Cuối cùng, Ông chúc cho cả hai chị em đều ngoan, học giỏi và luôn có ý thức tự giác trong việc vệ sinh cá nhân và học tập nhé! Chúc các cháu có một mùa Giáng sinh an lành và hạnh phúc!

Tái bút: Ông thấy bộ truyện này rất hay và bổ ích nên Ông mua tặng hai chị em, các cháu đọc và ghi nhớ các câu chuyện để học tập nhé!

Chào các cháu.

Ký tên
Ông Già Noel Santa Claus.





Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

CHUYỆN NHÀ TÔI - P1

Bố tôi là bộ đội, mẹ tôi là giáo viên, hai nghề này được ví như "cặp trời sinh" trong những năm đất nước còn chiến tranh, rồi sang thời bao cấp, hai nghề này vẫn được coi là những nghề hết sức đáng mơ ước của mọi công dân nước CHXHCN Việt Nam. 

Nói thế chứ thật ra không phải thế. Căn nguyên của câu chuyện trước hôn nhân của bố mẹ tôi là cả hai là "đồng chí" của nhau, cùng công tác trong một đơn vị, hai ông bà đều là kỹ sư vô tuyến điện, binh chủng Rada, Phòng Không - Không quân. Bố mẹ tôi gặp nhau tại đơn vị, bố tôi để ý đến mẹ tôi theo một cách như nào đó, ít được kể lại nhưng lõm bõm là bố tôi hồi xưa gầy nhẳng, đen thui, được cái thông minh, hiền lành và giàu nghị lực. Mẹ tôi hồi ý cũng gầy nhẳng, có phần hay đùa và ương bướng. Hai người đến với nhau theo cách thông thường, sau khi ông nội tôi mất một năm, họ cưới nhau. Từ đó, mẹ tôi xin chuyển công tác về địa phương, ban đầu làm ở Huyện uỷ, sau đó chuyển sang nghề giáo dục cho tiện việc nuôi con, chờ chồng. 

Bố tôi đi công tác xa biền biệt, đi khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc, bố mẹ tôi lấy nhau, sau 3 năm mới có chị gái tôi, sau 6 năm mới có tôi, bốn năm sau lần lượt hai đứa em nữa kế tiếp ra đời. Sinh đứa nào bố tôi cũng vắng nhà, chỉ duy nhất cô em út sinh năm 1984 là bố ở nhà. Lúc ấy, bố tôi cũng xin ra Bắc công tác, vừa công tác bố mẹ tôi vừa làm thêm kinh tế để nuôi mấy chị em tôi. 

Những năm 1980, bố mẹ tôi làm thêm rất nhiều nghề, mẹ vừa dạy học vừa tăng gia sản xuất, bố vừa công tác vừa đi buôn bán kiếm thêm. Tôi nhớ như in, ngay từ những năm 4-5 tuổi, tôi đã nghe và thuộc làu làu những bài hát của Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan... Hồi ý âm nhạc làm gì có gì ngoài đài phát thanh và băng nhạc. Những băng nhạc to bằng cái rá đựng cơm nguội, với dây dợ bùng nhùng, hay bị rối khi đầu quay hỏng. Chị em chúng tôi mang mấy cái dây băng đó giăng từ cây đu đủ sang cây xoan, từ ngõ vào đến tận cổng nhà tôi còn chưa hết. Hồi ấy làm gì có loa, bố tôi thửa luôn cái thùng tưới rau của mẹ, gò thành cái loa to bổ chảng, gác lên hiên nhà, mở nhạc cho cả xóm nghe. Bố tôi dùng luôn nghề nhà nước đã dạy để làm kinh tế, ông mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến, đài đóm, quấn dây đồng làm... Bố hút thuốc nhiều, tiện mồm làm luôn cả cửa hàng bán thuốc lá cuốn. Hồi ý, đa phần các chú, các bác cuốn thuốc lá bằng tay, bố tôi có cái hộp cuốn bằng gỗ, tôi thỉnh thoảng cầm hộp gỗ quay quay, cũng ra được vài điếu trông hay ho ra phết. Hồi ý, bố tôi hay cho chúng tôi ngồi "bình bịch" về quê, chiếc xe đầu tiên của gia đình tôi, nghe nói bố mang nó từ Sài Gòn ra từ năm 1971, chôn dưới đất, sau giải phóng mới đào lên và sử dụng. Cả huyện chỉ có nhà tôi có xe máy, oai không thể tả. Nhưng hồi ý tôi chưa biết oai, tôi như thằng con trai, suốt ngày được mẹ mặc áo ba lỗ đạp nắng chơi với thằng em trai ngoài ngõ, da đen thui, tóc ngắn cũn và có cái mặt ương bướng, lầm lì. Cả nhà gọi tôi là Quắm, vì cái mặt lì lợm và ánh mắt như lườm, như cau có của tôi lúc bấy giờ.

Năm 1985, nhà tôi chuyển từ xóm ra đường lớn, bố mẹ tôi làm thêm nhiều nghề, nào là bán buôn miến dong, có những mùa Đông, mấy đứa con ngồi quanh mẹ bên bếp lửa, mẹ tôi rang một chảo lớn toàn miến, miến nở bung, trắng muốt, khẳng khiu, ăn thật ngon và giòn, thơm nức. Rồi sau đó chuyển sang bán xe máy, hồi ý toàn đi Simson, xe kích, Minsk, sau đó là xe Win. Lần đầu tiên tôi đi xe máy là năm tôi học lớp 7, tôi tập đi Barbetta, "xe ấy đi dễ vô cùng, đứa nào ngu cũng biết đi", bố tôi bảo thế. Tôi sợ, không dám đi xe các loại xe kia tí nào, không cả dám học, chỉ trực chờ ông anh con nhà bác chở đi học, trong khi đó thằng em trai lớp 5 của tôi nó đã nhảy lên xe, ngồi trước các chú phóng vù vù. Đến năm lớp 10, khi đi học xa nhà, tôi mới học đi xe máy và biết đi từ đó đến giờ (vẫn chưa quên :D). 

Đó là chuyện buôn xe, sau này bố mẹ tôi chuyển sang nghề kim hoàn, năm 1991 cả hai ông bà bắt đầu xin nghỉ hưu và chuyển hẳn sang nghề kinh doanh vàng bạc, cho tới nay.

(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013




Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Từ ngày Mẹ sinh ra chị em tôi đến nay, đã trải qua 40 năm cực nhọc, vất vả. Chị gái tôi hơn tôi 6 tuổi, dưới tôi còn một em trai và một em gái. Trước đây, tôi thường nói với mọi người rằng tôi quý bố tôi nhất, cho đến năm tôi khoảng 15 tuổi gì đó, không nhớ chính xác lắm, tôi nói với bố tôi rằng "Trước thì con qúy bố nhất, nhưng càng lớn con càng thương mẹ", Bố tôi lúc ấy rơm rớm, tôi nhớ rất rõ, ông có vẻ gì đó như hụt hẫng, như ghen tị, như tiếc, như cảm động. Tôi đoán là ông hơi cảm thấy mất mát một chút vì đứa con gái rượu của ông chia sẻ tình yêu, tình yêu mà vốn ông đinh ninh là nó chỉ dành cho ông, sang cho mẹ nó. Nhưng đồng thời, tôi cũng biết rằng ông cảm động, vì con gái của ông đã lớn hơn một chút, biết nghĩ hơn một chút, và có lẽ là ông đang nhớ tới người mẹ của mình. 

Mẹ tôi, với tôi bà là một người phụ nữ thông minh và đảm đang. Mẹ nấu ăn không khéo, trừ các món ninh - hầm - nhừ, nhưng Mẹ giao tiếp giỏi, thẳng thắn, nghiêm túc và hết mình vì gia đình. Mẹ không biết trang điểm, ngại mặc quần áo đẹp, không biết cả cách dùng kem dưỡng da... Lần đầu tiên nhìn thấy mẹ bôi kem dưỡng, tôi bực mình gắt lên: "Sao mẹ có thể bôi như thế được nhỉ, bôi thế thì nhăn hết da chứ đẹp lên sao được". Đến mặc cái áo, cái quần, đi đôi dép mẹ tôi cũng may kiểu cổ hủ, màu sắc đơn điệu, bà một lòng một dạ "Già rồi còn hoa hoè hoa sói, chải chải chuốt chuốt không sợ người ta cười cho à?". Tôi thường gắt mẹ, không thích mẹ mặc những đồ đó đi cùng tôi. Đến một lần, khi Bố mẹ cùng tôi ra nước ngoài, đi du lịch lên vùng núi cao, mẹ tôi bị nẻ, da bong tróc cả, tôi nhìn thấy da mẹ đã nhăn nheo, bỗng thấy xót xa, cứ bắt mẹ ngồi yên để bôi kem dưỡng, rồi hướng dẫn mẹ cách dùng, lần đầu tiên tôi dịu dàng, ân cần với mẹ, hình như cũng là lần đầu tiên bàn tay tôi ôm trọn gương mặt mẹ, một cách nâng niu, trìu mến. Cảm giác giận mình, hờn mình và hối hận về cách cư xử với mẹ trước đây ùa về, tối hôm đó, tôi đã giấu những giọt nước mắt thương mẹ vào gối.

Tôi mải mê dong chơi, quên cả lối về thăm mẹ. Hôm ấy nhớ mẹ quá, tôi gọi điện cho mẹ, bảo là nhớ mẹ. Tôi sững sờ khi nghe mẹ nói "Mẹ cảm ơn". Tôi nhớ mẹ mà mẹ lại nói lời cảm ơn? Tôi suýt khóc, nhận ra rằng kể từ khi biết ghi nhớ mọi chuyện, tôi đã quên việc nói lời yêu thương và nhớ nhung bố mẹ. Mấy chục năm nuôi con, chưa bao giờ mẹ được nghe con nói lời nói nhớ mẹ, tôi đã khiến mẹ giật mình, phản xạ tự nhiên nói lời cảm ơn khi thấy ai đó đối tốt với mình. Tôi cúp máy và khóc. Tôi khóc vì cái sự vô tâm và khô khan của mình trong mấy chục năm qua khiến bố mẹ tôi thật thiệt thòi, thiệt thòi đến cả lời nói yêu thương của chính con cái của mình, dù những lời nói này đâu có mất tiền mua, đâu có quá khó khăn để tôi có thể tặng cho bố mẹ, thế mà tôi vẫn tiếc, vẫn keo kiệt không trao tặng cho người mà tôi thương nhất, biết ơn nhất trên đời. 


Viết những dòng này, lòng tôi đang nhớ tới mẹ, vì hôm nay là ngày của mẹ, mẹ tôi khi xưa cũng là cô giáo. Tôi mong mẹ luôn khoẻ mạnh và bình an, mong mẹ có thể cùng tôi đi tiếp những chuyến đi xa, từ lên rừng đến xuống biển, cùng tôi ngắm nhìn những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, những phố phường đông đúc trên khắp thế giới này. Như những ngày qua, rất nhiều những chuyến đi của tôi có bố mẹ đi cùng, và tôi vẫn mong được đi cùng họ nhiều hơn nữa. Có ai đó bảo không thích đi cùng bố mẹ, đi với người già thật chán, nhưng với tôi, còn được đi cùng bố mẹ là tôi còn vui, còn thấy hãnh diện. Vì khi ấy tôi còn được thấy bố mẹ tôi khoẻ mạnh, vẫn đầy ước mơ, vẫn còn mong muốn. Quan trọng hơn cả là, để tôi thấy yên tâm vì ông bà vẫn đang ở bên mình. 

(Viết cho mẹ nhân ngày 20/11/2013, với lòng nhớ mẹ vô cùng). 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Bài học số 2: Chăm lo cho những sở thích và thú vui

Trong vô vàn sở thích và thú vui, mỗi người đều có niềm vui riêng, nào là thêu thùa, may vá, nào là vẽ tattoo, nấu ăn, làm mộc... mình chọn trồng cây và chụp ảnh.

Khi bạn trồng cây, bạn sẽ yêu thiên nhiên hơn, yêu căn nhà của mình hơn. Mỗi khi nhìn thấy một mầm cây, một nhánh nụ nhú lên, cảm giác của bạn như vỡ òa, thật hạnh phúc và sung sướng. Sau bao ngày chăm bón, thành quả của mình đã được đền đáp, đền đáp bằng vẻ đẹp của những sắc màu và cả mùi hương. 

Hãy chọn lấy một niềm vui thích để chăm lo, việc này sẽ khiến cho cuộc sống của bạn thêm thú vị, từ những niềm vui đó, bạn sẽ nhận ra được nhiều điều mà trước đây bạn chưa để ý, chưa quan tâm. Và quan trọng hơn cả là, bạn cần biết yêu thương những thứ nhỏ bé, thân thuộc để vun đắp, tô điểm thêm cho cuộc sống của mình. 

Cuộc sống là muôn màu, mỗi mảng màu là một mảnh yêu thương. 



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

HỌC YÊU THƯƠNG - Phần I

Trước giờ tôi chưa từng tự nêu khái niệm Học Yêu thương cho mình. Nói đúng hơn là Học cách để yêu thương và được yêu thương. Ngẫm lại, thấy thật sự là một thiếu sót lớn trong đời. Và tôi bắt đầu học, bắt đầu từ những trải nghiệm rất nhỏ, rồi nâng dần việc học theo các cấp độ. 

Bài học số 1: Học cách làm chủ bản thân

Cách đây khoảng 3 năm, khi lần đầu tiên tôi tìm kiếm từ khóa để đặt nickname cho mình trên một forum và được gặp gỡ với từ "inner space". Từ này cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi, trên miệng tôi trong vòng 1 tuần. Tôi tự hỏi: "Tại sao lại là inner space", dịch từ này sang tiếng Việt có nghĩa là "không gian nội tâm" và thấy đây là một từ mà tôi rất quan tâm, nhất là khi tôi đang cảm thấy mình thật sự khó kiểm soát bản thân trên nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nào là cảm giác bực bội, cảm giác buồn bã, cảm giác cô đơn, cảm giác khó chịu, sự chịu đựng và tôi muốn bùng nổ... Tôi cứ thế, lần tìm theo từ khóa này để đọc và tìm hiểu. Sau đó, thấy các bạn HR của tôi tham gia một số khóa học liên quan tới vấn đề này, tôi cũng muốn tham gia để trải nghiệm việc thay đổi cách sống, cách nghĩ và cách xử sự. Thế mà phải sau một năm sau đó, tôi mới chính thức đến Trung tâm Innerspace để tham gia khóa học đầu tiên, khóa "Chiến thắng giận dữ". Khóa học này - giống như chiếc chìa khóa giúp tôi mở cánh cửa nội tâm của mình. Từ đó đến nay, cũng đã 2 năm, tôi tiếp tục tìm hiểu về con người mình một cách sâu sắc hơn, chủ động hơn. Và tôi thấy để yêu thương người khác, trước tiên bạn phải biết yêu bản thân mình, yêu mình để yêu người. Sự yêu mình ở đây không có nghĩa là sự ích kỷ, cá nhân mà là sự hiểu biết và cách ứng xử với các sự kiện xảy ra quanh chúng ta hàng ngày. Có câu thế này: "Điều gì mình muốn làm cho mình thì hãy làm cho người khác". Nếu bạn muốn bình an, hãy làm người khác bình an, nếu mình muốn được yêu thương, quý trọng từ người khác, bạn hãy yêu thương và quý trọng họ trước. Cho đi rồi hãy nhận lại, hãy cho đi một cách vô tư và đừng mong chờ, kỳ vọng sự hồi đáp, bạn sẽ có được thứ mình mong muốn! Tôi đã làm, đã trải nghiệm và tôi thấy đúng. Quan trọng hơn, cuộc sống của tôi trở lên nhẹ nhàng và thư thái hơn rất nhiều so với trước kia. Sự giận dữ gần như tan biến (tuy đôi khi vẫn khởi phát), nhưng tôi đã mạnh mẽ hơn rất nhiều trong việc làm chủ cảm xúc bản thân, tôi đã biết cách yêu thương cảm xúc của tôi hơn rất nhiều. Ngày hôm nay tôi vẫn tiếp tục học bài học này, cho đến cả ngày mai và cả cuộc đời!

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Cũng tự cho mình là một người khá khó tính trong việc lựa chọn sách để đọc, nhưng đúng là chưa đọc thì chưa thể kết luận cuốn sách đó có đáng đọc hay là không? Hệ quả là giờ ở nhà, có khá nhiều sách không được ưa thích, vẫn cứ xếp đấy, có những cuốn phải đến chục năm chưa giở lại. Vui chưa là vui?

Từ việc cảm nhận sách của các bạn nhóm Mến Sách, mình cũng đã lược bỏ được một phần nào những khó khăn trong lựa chọn đầu sách để đọc, các bài cảm nhận của các bạn, mỗi bài mỗi vẻ, đều có những cảm nhận khá thú vị.

Tối qua, mình đã đọc cuốn “Bí mật chiếc xô cảm xúc”, cuốn sách được mượn từ anh Thăng, nguồn cảm hứng để đọc cũng được “múc” từ “chiếc xô” cảm nhận sách hàng tháng của anh ấy về cuốn này.

Vì được phép viết lại cuốn người khác đã viết, nhân dịp trả nợ tháng 3 – mùa hoa Gạo đỏ, mình viết lại cảm nhận sách cho cuốn này. Hy vọng góp thêm một góc nhìn, để cùng mọi người tiếp tục đồng hành trên con đường tương lai của Mến sách.
Ở đây, mình không bàn về mục lục cuốn sách, cái này, nếu các bạn đọc, các bạn đều có thể thấy được. Mình muốn chia sẻ những cảm nhận về một số nội dung gây ấn tượng cho mình. Và dưới góc độ của một người làm nhân sự, mình cũng muốn tìm hiểu thêm và áp dụng vào công việc, vào cuộc sống hàng ngày.

Nhìn một cách tổng thể, cuốn sách có một cách diễn đạt, trình bày không có gì bắt mắt, mang tính chất rất phổ thông, quần chúng, giọng kể cũng nhàn nhạt, quen quen. Theo thói quen, mình đọc rất nhanh, rất lướt. Cứ đọc thế cho đến khi chợt dừng lại và thốt lên ”Thật dã man, thật tàn ác” và tự hỏi “Tại sao con người ta lại có thể tàn độc như vậy?”. Xuất phát từ câu chuyện các binh lính Mỹ sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, họ có những biểu hiện của chứng “tuyệt vọng cực độ”. Họ sống trong một thế giới khép kín, tăm tối, im lặng với cặp mắt vô hồn và tinh thần rệu rã, một thời gian sau họ tìm đến cái chết để kết thúc mọi chuyện. Để cứu các binh sỹ này khỏi cái chết, Mayer – một nhà khoa học tâm lý chiến tranh thời đó, đã cùng các bạn đồng hành nghiên cứu nguyên nhân. Và họ đã phát hiện ra, Quân đội Triều Tiên sau khi bắt tù binh Mỹ, đã cho họ vào các trại tập trung, khoản đãi đầy đủ về vật chất, nhưng lại tách họ thành các nhóm nhỏ, dùng biện pháp được gọi là “vũ khí tối thượng”, loại vũ khí này chỉ gồm 4 chiến thuật sau:

1.       Chỉ điểm
2.       Tự phê
3.       Từ bỏ lòng trung thành với các cấp chỉ huy và tổ quốc
4.       Ngăn chặn sự hỗ trợ của cảm xúc tích cực

Để các công cụ trên được binh sỹ hưởng ứng, Quân đội Triều Tiên đã dùng các hình thức như thưởng vật chất để kích thích lòng tham của con người. Nhưng, khủng khiếp nhất, nhẫn tâm và tàn độc nhất vẫn là phương pháp “ngăn chặn cảm xúc tích cực”, thổi và đẩy mạnh các cảm xúc tiêu cực vào trong não của các binh lính bằng các thủ đoạn như: chế đơn xin ly dị giả của vợ các binh lính gửi từ Mỹ sang đòi ly dị, thậm chí gửi các các hóa đơn đòi tiền của các tổ chức tại Mỹ cho họ để họ mất niềm tin, không còn thiết tha với cuộc sống sau chiến tranh tại quê hương của mình.
Khi các bạn đọc tới đây, cảm giác của các bạn thế nào? Các bạn có thấy con người ta tàn nhẫn không? Kinh khủng không? Con người tìm tòi, suy nghĩ để chế ra các công cụ tra tấn mình như vậy, dưới góc nhìn của mình, thật rất đáng chống đối. Như thế mới thấy, vai trò của cảm xúc tích cực rất quan trọng trong việc khuyến khích con người sống có niềm tin, niềm tin vào bản thân, niềm tin vào cuộc sống để có động lực sống cuộc sống hạnh phúc, bình an.

Sau khi đã trải nghiệm qua các ví dụ sinh động về tác dụng của cảm xúc tích cực, tác giả bắt đầu phân tích về “chiếc xô cảm xúc và chiếc gáo cảm xúc”. Ở phần này, mình thật sự thích nội dung bức thư mà người cháu – tác giả cuốn sách, viết cho người ông – đồng tác giả cuốn sách này, nhân dịp sinh nhật của ông. Tom Rath viết về những kỷ niệm gia đình, cách giáo dục, ứng xử của các thành viên trong gia đình đã ảnh hưởng lên cuộc sống của của anh như thế nào? Trong đó, người ông, đóng vai trò như một trụ cột, người hướng dẫn, động viên anh suốt thời gian qua. Ông đã thổi những niềm tin vào cuộc sống của Tom, giúp anh phát huy điểm mạnh, hỗ trợ anh mở cửa hàng kinh doanh khi phát hiện anh có năng lực lãnh đạo và khả năng kinh doanh, đưa cho anh các phương pháp để anh tự nhận ra niềm vui sống khi phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh đeo đẳng anh cho tới tận bây giờ: bệnh ung thư. Chính nền giáo dục của gia đình giống như những cột rễ được ăn sâu trong con người anh, biến nó thành sức mạnh nội tại để anh vượt qua căn bệnh, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Anh chính là hiện thân của việc: Sống vì chính bản thân mình để vì nhiều người khác.

Trong phần nội dung này, có một câu ngạn ngữ được Tom đề cập tới mà mình rất thích: “Đừng bao giờ cố dạy heo học hát. Vừa mất thời gian vừa làm phiền con heo”. Mình rất thích thú với hình ảnh này. Ý nghĩa của câu này, có thể hiểu rằng, con người ta không cần phải được đào tạo để trở nên hoàn hảo. Hãy nhìn vào những điểm mạnh để phát huy. Ở đây, tác giả còn lấy một ví dụ rất sinh động về việc nhìn vào điểm số của con cái khi chúng học tại trường. Trong các điểm số 10, 9, 8, 2, bạn chú ý đến điểm nào nhất của con cái mình? Đa số là điểm 2 phải không? Xin chia buồn là bạn cũng giống vô số các ông bố bà mẹ trên trái đất này thôi, bạn sẽ cố tập trung xét hỏi con cái vì sao bị điểm xấu, rồi bằng nhiều biện pháp khác nhau để bạn “thúc” cho con bạn cải thiện điểm số này đúng không? Các thành viên trong gia đình Tom thì làm ngược lại đấy, họ nhìn vào các điểm tốt của Tom và thúc đẩy chúng, điểm xấu thì để Tom tự có phương án cải thiện. Điều này, mình sẽ gắng ghi nhớ để sau này có con (nếu được), sẽ áp dụng và phát huy.

Phần cuối của cuốn sách, tác giả đưa ra 5 phương pháp để tăng cường cảm xúc tích cực. Mình sẽ không nói về vấn đề này, vì nó rất cụ thể rồi! Với lại, cuốn sách này khá mỏng, chỉ gồm 121 trang thôi. Đọc rất dễ hiểu, dễ hiểu lắm, không phải tư duy sâu đâu các bạn ạ! Thế nên, nếu các bạn thích thì có thể đọc, còn không thì cũng không sao đâu, mình không muốn vừa làm các bạn mất thời gian vừa làm phiền các bạn! (LOL)