CHUYỆN NHÀ TÔI - P1
Bố tôi là bộ đội, mẹ tôi là giáo viên, hai nghề này được ví như "cặp trời sinh" trong những năm đất nước còn chiến tranh, rồi sang thời bao cấp, hai nghề này vẫn được coi là những nghề hết sức đáng mơ ước của mọi công dân nước CHXHCN Việt Nam.
Nói thế chứ thật ra không phải thế. Căn nguyên của câu chuyện trước hôn nhân của bố mẹ tôi là cả hai là "đồng chí" của nhau, cùng công tác trong một đơn vị, hai ông bà đều là kỹ sư vô tuyến điện, binh chủng Rada, Phòng Không - Không quân. Bố mẹ tôi gặp nhau tại đơn vị, bố tôi để ý đến mẹ tôi theo một cách như nào đó, ít được kể lại nhưng lõm bõm là bố tôi hồi xưa gầy nhẳng, đen thui, được cái thông minh, hiền lành và giàu nghị lực. Mẹ tôi hồi ý cũng gầy nhẳng, có phần hay đùa và ương bướng. Hai người đến với nhau theo cách thông thường, sau khi ông nội tôi mất một năm, họ cưới nhau. Từ đó, mẹ tôi xin chuyển công tác về địa phương, ban đầu làm ở Huyện uỷ, sau đó chuyển sang nghề giáo dục cho tiện việc nuôi con, chờ chồng.
Bố tôi đi công tác xa biền biệt, đi khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc, bố mẹ tôi lấy nhau, sau 3 năm mới có chị gái tôi, sau 6 năm mới có tôi, bốn năm sau lần lượt hai đứa em nữa kế tiếp ra đời. Sinh đứa nào bố tôi cũng vắng nhà, chỉ duy nhất cô em út sinh năm 1984 là bố ở nhà. Lúc ấy, bố tôi cũng xin ra Bắc công tác, vừa công tác bố mẹ tôi vừa làm thêm kinh tế để nuôi mấy chị em tôi.
Những năm 1980, bố mẹ tôi làm thêm rất nhiều nghề, mẹ vừa dạy học vừa tăng gia sản xuất, bố vừa công tác vừa đi buôn bán kiếm thêm. Tôi nhớ như in, ngay từ những năm 4-5 tuổi, tôi đã nghe và thuộc làu làu những bài hát của Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan... Hồi ý âm nhạc làm gì có gì ngoài đài phát thanh và băng nhạc. Những băng nhạc to bằng cái rá đựng cơm nguội, với dây dợ bùng nhùng, hay bị rối khi đầu quay hỏng. Chị em chúng tôi mang mấy cái dây băng đó giăng từ cây đu đủ sang cây xoan, từ ngõ vào đến tận cổng nhà tôi còn chưa hết. Hồi ấy làm gì có loa, bố tôi thửa luôn cái thùng tưới rau của mẹ, gò thành cái loa to bổ chảng, gác lên hiên nhà, mở nhạc cho cả xóm nghe. Bố tôi dùng luôn nghề nhà nước đã dạy để làm kinh tế, ông mở cửa hàng sửa chữa vô tuyến, đài đóm, quấn dây đồng làm... Bố hút thuốc nhiều, tiện mồm làm luôn cả cửa hàng bán thuốc lá cuốn. Hồi ý, đa phần các chú, các bác cuốn thuốc lá bằng tay, bố tôi có cái hộp cuốn bằng gỗ, tôi thỉnh thoảng cầm hộp gỗ quay quay, cũng ra được vài điếu trông hay ho ra phết. Hồi ý, bố tôi hay cho chúng tôi ngồi "bình bịch" về quê, chiếc xe đầu tiên của gia đình tôi, nghe nói bố mang nó từ Sài Gòn ra từ năm 1971, chôn dưới đất, sau giải phóng mới đào lên và sử dụng. Cả huyện chỉ có nhà tôi có xe máy, oai không thể tả. Nhưng hồi ý tôi chưa biết oai, tôi như thằng con trai, suốt ngày được mẹ mặc áo ba lỗ đạp nắng chơi với thằng em trai ngoài ngõ, da đen thui, tóc ngắn cũn và có cái mặt ương bướng, lầm lì. Cả nhà gọi tôi là Quắm, vì cái mặt lì lợm và ánh mắt như lườm, như cau có của tôi lúc bấy giờ.
Năm 1985, nhà tôi chuyển từ xóm ra đường lớn, bố mẹ tôi làm thêm nhiều nghề, nào là bán buôn miến dong, có những mùa Đông, mấy đứa con ngồi quanh mẹ bên bếp lửa, mẹ tôi rang một chảo lớn toàn miến, miến nở bung, trắng muốt, khẳng khiu, ăn thật ngon và giòn, thơm nức. Rồi sau đó chuyển sang bán xe máy, hồi ý toàn đi Simson, xe kích, Minsk, sau đó là xe Win. Lần đầu tiên tôi đi xe máy là năm tôi học lớp 7, tôi tập đi Barbetta, "xe ấy đi dễ vô cùng, đứa nào ngu cũng biết đi", bố tôi bảo thế. Tôi sợ, không dám đi xe các loại xe kia tí nào, không cả dám học, chỉ trực chờ ông anh con nhà bác chở đi học, trong khi đó thằng em trai lớp 5 của tôi nó đã nhảy lên xe, ngồi trước các chú phóng vù vù. Đến năm lớp 10, khi đi học xa nhà, tôi mới học đi xe máy và biết đi từ đó đến giờ (vẫn chưa quên :D).
Đó là chuyện buôn xe, sau này bố mẹ tôi chuyển sang nghề kim hoàn, năm 1991 cả hai ông bà bắt đầu xin nghỉ hưu và chuyển hẳn sang nghề kinh doanh vàng bạc, cho tới nay.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét